10 cách sử dụng thẻ tín dụng thông minh cho người mới bắt đầu

Sử dụng thẻ tín dụng không đúng cách có thể dẫn đến nhiều phiền toái cho chính bạn, bao gồm các khoản nợ và lịch sử tín dụng kém.

Mặc dù không ai bị phạt tù vì nợ tín dụng, bạn cũng sẽ không muốn trải qua những áp lực, rắc rối khi phải thanh toán nợ. Bạn đã nhận được chiếc thẻ tín dụng của mình chưa? Để tránh bị mắc nợ tín dụng, hãy nhớ 10 cách sử dụng thẻ thông minh từ Monfin như sau.

1.Đọc kĩ các điều khoản và điều kiện

Lần đầu tiên sử dụng thẻ, hãy dành thời gian đọc kĩ các Điều khoản và Điều kiện của ngân hàng cung cấp, chứa các thông tin về quy định sử dụng thẻ. Hãy chắc chắn là bạn đã hiểu rõ để tránh những vấn đề liên quan đến thẻ tín dụng của bạn về sau. Hãy chú ý đến những điểm sau trong các điều khoản và điều kiện về thẻ của bạn:

  • Các khoản phí và lãi suất
  • Thời gian ân hạn
  • Các phí tài chính được tính như thế nào
  • Làm thế nào để nhận được các khuyến mãi và phần quà
  • Các quy định về các chương trình quà tặng (ví dụ như các loại giao dịch có áp dụng chương trình quà tặng, số lượng phần quà nhận được mỗi lần mua sắm và số lượng tối thiểu có thể đổi quà)

2.Chỉ sử dụng tiền cho những gì bạn có thể trả được hàng tháng

Sử dụng thẻ tín dụng đúng cách cần rất nhiều quy tắc và lối tư duy đúng đắn.

Thẻ tín dụng không phải là nguồn cung cấp tiền vô hạn. Mỗi lần bạn sử dụng thẻ là bạn đang mượn tiền từ ngân hàng – là khoản tiền bạn chưa làm ra. Nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn lượng tiền bạn có thể chi trả hàng tháng, bạn sẽ gặp nhiều rắc rối.

Đây là những phương pháp thiết thực để tránh lạm dụng thẻ tín dụng:

  • Lập một danh sách những khoản chi tiêu mỗi tháng của bạn.
  • Xác định số lượng tiền sử dụng cố định dựa trên danh sách của bạn và lượng tiền tối đa bạn dự định chi tiêu.
  • Sử dụng thẻ cho để mua sắm và thanh toán những thứ bạn thường dùng như đồ tạp hoá, hoá đơn tiện ích và xăng. Bạn có thể được giảm giá hoặc nhận quà theo phương thức giao dịch, tuỳ thuộc vào loại thẻ của bạn.
  • Mỗi lần bạn mua hàng bằng thẻ, hãy tự hỏi liệu bạn có thể trả nó bằng tiền mặt được không. Nếu như không thì không nên thực hiện giao dịch.
  • Chi tiêu dưới hạn mức tín dụng, tốt nhất là thấp hơn 30% tín dụng khả dụng của bạn.
  • Đừng bao giờ sử dụng tối đa thẻ của bạn. Chi tiêu vượt hạn mức tín dụng sẽ khiến bạn gặp khó khăn khi thanh toán số dư. Thậm chí bạn còn phải thanh toán phí vượt mức.

3.Kiểm tra thẻ và biên lai sau mỗi lần thanh toán

Hãy kiểm tra tài khoản của bạn kĩ càng để tránh gặp bất cứ lỗi nào trong giao dịch.

Nếu nhân viên thu ngân phải cà thẻ của bạn hai lần, hãy hỏi họ giấy tờ xác nhận giao dịch (lần cà thẻ đầu tiên) đã bị huỷ. Luôn luôn kiểm tra kĩ mọi chi tiết trong biên lai trước khi kí tên vào. Hãy chắc chắn rằng số tiền trên biên lai đúng với số tiền thực tế bạn phải thanh toán. Đừng kí tên vào một tờ biên lai trắng.

Ngay khi nhân viên thu ngân trả lại thẻ cho bạn, kiểm tra xem đó có phải thẻ của bạn hay không, tránh trường hợp giả mạo.

4.Bảo vệ thẻ tín dụng của bạn khỏi trộm cắp và gian lận

Thẻ tín dụng có các tính năng bảo mật như chip EMV, hình không gian ba chiều, mã bảo mật và chữ kí. Nhưng như thế không có nghĩa là thẻ của bạn đã 100% an toàn khỏi những người sử dụng thẻ tín dụng cho những giao dịch trái phép.

Bạn có trách nhiệm bảo vệ thẻ của mình an toàn. Đây là những việc nên làm và không nên làm để tránh trở thành nạn nhân bị lừa đảo.

Nắm rõ mọi hình thức lừa đảo thẻ tín dụng

Ngoài trộm cắp thông thường, những kẻ lừa đảo có thể đánh cắp thông tin của bạn bằng những cách khác:

  • Trộm danh tính: Những kẻ lừa đảo hack vào cơ sở dữ liệu của bạn, giả làm đại diện ngân hàng để lấy thông tin chúng muốn.
  • Lén đọc dữ liệu: Những tên trộm lén sao chép thông tin của bạn từ một dải từ tính trên thẻ tín dụng. Chúng có thể sử dụng những thông tin đã lấy cắp để thực hiện các giao dịch online hay tạo các thẻ tín dụng giả.
  • Tấn công giả mạo: Những email và tin nhắn giả từ ngân hàng được gửi đến người dùng để hỏi về thông tin thẻ tín dụng.

Đừng chia sẻ thông tin thẻ tín dụng của bạn với bất cứ ai.

Hãy giữ bí mật thông tin tín dụng của bạn, đặc biệt là số tài khoản, ngày hết hạn thẻ và mã bảo mật. Đừng bao giờ chia sẻ với bất cứ ai muốn biết thông tin của bạn trên mạng hoặc qua điện thoại. Đừng trả lời hoặc nhấn chuột vào các đường link trong những email đáng ngờ.

Đừng thanh toán thẻ khi sử dụng Wi-Fi miễn phí ở nơi công cộng

Quán net, khách sạn, sân bay, quán café và các trung tâm thương mại là những địa điểm kém an toàn nhất để thực hiện giao dịch online vì hacker có thể dễ dàng đánh cắp thông tin cá nhân của bạn qua kết nối Wi-Fi công cộng.

Hãy cẩn thận khi sử dụng thẻ tín dụng online.

Trước khi bạn mua hàng online, hãy kiểm tra địa chỉ URL của trang web. Một trang web an toàn sẽ có địa chỉ bắt đầu bằng “https” (không phải “http”) và có biểu tượng ổ khoá. Hãy tránh việc lưu thông tin thẻ tín dụng của bạn trên trang web bằng việc không trả lời hộp thoại hỏi bạn có muốn lưu dữ liệu của bạn lại hay không.

5.Thường xuyên kiểm tra hoạt động trên thẻ tín dụng của bạn

Người dùng thẻ có trách nhiệm kiểm tra lịch sử hoạt động của họ hàng tuần. Chỉ tốn vài phút để kiểm tra các giao dịch mà bạn đã thực hiện. Bằng cách đó, bạn đảm bảo mình chi tiêu trong khoảng ngân sách đã đặt ra, đừng vượt quá hạn mức tín dụng, tránh phải nộp phí phạt và đảm bảo là không có giao dịch bất hợp pháp nào bị tính vào tài khoản của bạn.

Sau đây là những phương pháp dễ dàng để kiểm tra các giao dịch trên thẻ của bạn:

  • Tạo một tài khoản trực tuyến với ngân hàng của bạn. Điều này cho phép bạn xem lại các chi tiêu của mình qua trang web và ứng dụng trên điện thoại.
  • Đăng kí dịch vụ thông báo qua email và tin nhắn điện thoại mỗi khi thẻ của bạn được sử dụng.
  • Lưu lại tất cả biên lai giao dịch và tổng chi tiêu của bạn.

6.Tránh ứng trước tiền mặt

Đây là một hình thức tín dụng có chi phí cao và là một cách dễ dàng để khiến bạn mắc nợ. Mỗi lần bạn rút tiền mặt từ cây ATM, bạn sẽ phải trả khoảng 5% phí tạm ứng.

Lãi suất của tạm ứng tiền cũng cao hơn so với mua hàng thông thường. Hầu hết các thẻ tín dụng không có thời gian ân hạn khi bạn tạm ứng tiền. Vì vậy, bạn sẽ phải nộp thêm một khoảng nữa khi ứng trước tiền nếu không thanh toán tiền nợ nhanh chóng.

7.Đọc kĩ bản sao kê thẻ tín dụng của bạn.

Khi bạn nhận được bản sao kê giao dịch, đừng chỉ chú ý đến số tiền tối thiểu cần trả, số dư chưa thanh toán hay ngày hết hạn. Bản sao kê còn có những thông tin mà bạn cần để ý, như lịch sử giao dịch.

Xem lại tất cả những giao dịch đã thực hiện được liệt kê trong bản sao kê và lưu ý những điều sau:

  • Số tiền thanh toán trong các giao dịch là đúng
  • Lần thanh toán gần nhất, giảm giá hay các khoản tín dụng khác được áp dụng đúng.
  • Không có sai số hay các khoản chi bất hợp pháp nào bị tính vào thẻ của bạn.

Nếu phát hiện các khoản giao dịch trái phép nào trên bản sao kê, hãy báo cáo ngay cho nhà cung cấp thẻ của bạn.

8.Thanh toán toàn bộ các hóa đơn hàng tháng

Nhiều người Việt rơi vào bẫy nợ vì một sai lầm đắt giá: chỉ thanh toán ở mức tối thiểu. Nếu làm vậy, bạn sẽ khiến mình phải bỏ ra nhiều tiền hơn để trả tiền lãi.

Thẻ tín dụng là một trong các hình thức nợ lớn nhất, lãi suất của nó là từ 2% đến 3,54% hàng tháng. Các ngân hàng cũng sẽ tính lãi cộng gộp, nghĩa là bạn không chỉ bị tính lãi trên số tiền nợ mà còn từ số tiền lãi.

Cách duy nhất để tận hưởng các tiện tích từ thẻ tín dụng tích điểm đổi quà và tránh phải trả các phí không mong muốn là luôn thanh toán các hóa đơn trước hạn. Hãy bỏ qua mức thanh toán tối thiểu và coi nó như không tồn tại.

9.Thanh toán hóa đơn dụng đúng hạn

Thanh toán thiếu hay trì hoãn việc thanh toán là điều không nên làm khi bạn sử dụng thẻ tín dụng. Ngoài các khoản phí tài chính, bạn sẽ bị tính phí thanh toán chậm mỗi lần bạn quá hạn trả số dư. Tại Việt Nam, phí phạt thanh toán chậm có thể lên đến 300,000 hoặc 8% tổng số tiền cần trả.

Ngoài lí do để tránh bị phạt tiền, thanh toán số dư trước ngày hết hạn giúp bạn cải thiện lịch sử tín dụng và giữ các chi phí tín dụng hàng tháng của bạn ở mức thấp.

10.Chỉ sử dụng thẻ tín dụng khi bạn chắc chắn mình có thể thanh toán

Đôi khi, các trường hợp khẩn cấp và các phí phát sinh khiến bạn không thể thanh toán toàn bộ số dư. Trong thời gian đó, điều tốt nhất bạn nên làm là thanh toán số tiền tối thiểu đúng hạn và tránh bị tính thêm tiền vào số dư của bạn. Đến khi bạn có thể thanh toán hết số dư tín dụng, hãy cất thẻ của mình đi và đừng sử dụng nó. Bằng cách này, bạn có thể tránh việc tăng thêm nợ cho chính mình.

Hãy sử dụng thẻ tín dụng thông minh!

Giờ bạn đã biết cách sử dụng thẻ tín dụng thông minh, bạn có thể tránh được các chi phí và những áp lực khi phải trả nợ, cũng như các vấn đề nảy sinh vì sự dụng thẻ tín dụng sai cách. Để trở thành người dùng có trách nhiệm cần nhiều thời gian và thời điểm tốt nhất để bắt đầu chính là bây giờ.

#sudungthetindung