Những điều bạn cần biết trước khi vay vốn ngân hàng
Một số đặc điểm về khoản vay mà bạn cần lưu ý
- Vay có kỳ hạn: hình thức cho vay được áp dụng trong một khoảng thời gian cố định với lãi suất được quy định trước.
- Lãi suất cố định/ thả nổi: Lãi suất cố định nghĩa là tỷ lệ lãi suất sẽ không tăng, không bị ảnh hưởng bởi thị trường tài chính. Lãi suất thả nổi sẽ dao động với thị trường, có thể gây ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến bạn tùy thuộc vào những gì xảy ra với nền kinh tế.
- Số tiền bạn vay: nếu bạn có nguồn thu nhập ổn định và không có bất kì khoản nợ nào trong quá khứ thì ngân hàng sẽ cân nhắc về số tiền sẽ cho bạn vay.
Mục đích vay tiền liên quan đến hình thức vay vốn
Khoản vay cá nhân có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Thông thường khoản vay được sử dụng cho những mục đích sau:
- Mua sắm hàng tiêu dùng: cho cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống và sinh hoạt như mua sắm hàng hóa tiêu dùng, vật dụng gia đình.
- Xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mua nhà ở đối với dân cư: phía ngân hàng sẽ hỗ trợ chi phí xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mua nhà đối với quý khách hàng là hộ gia đình hoặc cá nhân người Việt Nam có quyền sử dụng đất hợp pháp, có nhà không thuộc diện cấm cải tạo, cấm xây dựng lại, phù hợp với quy hoạch, có giấy phép xây dựng; cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua nhà đất theo quy định.
- Đối tượng công dân lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài: công dân Việt Nam có đủ điều kiện để đi làm ở nước ngoài theo đúng quy định hay đã kí hợp đồng lao động với doanh nghiệp về việc lao động ở nước ngoài muốn vay vốn để trả cho những hoạt động hợp pháp cần thiết để đi lao động hợp tác có thời hạn ở nước ngoài.
- Mua phương tiện đi lại: khách hàng có nhu cầu vay vốn ngân hàng để mua ô tô, xe máy,...
- Hỗ trợ du học: khách hàng có nhu cầu du học ra nước ngoài có thể sử dụng sản phẩm tín dụng "cho vay hỗ trợ du học" để trả chi phí sinh hoạt và học phí tại nước ngoài.
- Phục vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ: khách hàng là cá nhân hoặc hộ gia đình có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động thường xuyên cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (bù đắp thiếu hụt tài chính).
- Bù đắp tài chính: khách hàng vay để bù vào những khoản chi đã sử dụng trước đó từ nguồn vốn tự có hoặc nguồn vốn khác để thực hiện dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hay phục vụ đời sống.
Hình thức vay vốn
Có nhiều hình thức vay vốn khác nhau, nhưng hãy dựa vào mục đích chính của mình mà lựa chọn ra hình thức vay vốn thích hợp:
- Vay tín chấp: Hình thức vay không cần tài sản đảm bảo, dựa vào uy tín của người vay, phù hợp với khách hàng có nhu cầu nhỏ như mua sắm, vui chơi giải trí,… Lãi suất vay khá cao, thời hạn vay tối đa là 60 tháng.
- Vay thế chấp: Nếu lựa chọn sử dụng hình thức này thì bắt buộc bạn phải có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên bạn sẽ được cho vay rất cao, thường hạn mức vay chiếm 80% giá trị của tài sản được cầm cố. Thời hạn vay kéo dài 25 năm, thích hợp cho cả doanh nghiệp và cá nhân vay. Sau một thời gian nếu không trả được nợ, tài sản sẽ được đưa ra phát mãi để ngân hàng thu hồi lại vốn.
Sự khác biệt cơ bản giữa hai hình thức vay vốn này là 1 loại có tài sản đảm bảo, còn 1 loại phụ thuộc hoàn toàn vào uy tín của người vay. Bên cạnh đó, chúng còn khác nhau ở phần thủ tục và điều kiện vay vốn.
- Với vay thế chấp: Công dân Việt Nam vẫn còn độ tuổi lao động, có tài sản đảm bảo để vay thế chấp. Có giấy tờ về tài sản thế chấp (sổ đỏ, sổ hồng, giấy tờ xe ô tô…) và giấy tờ nhân thân (CMND, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn,…). Một số giấy tờ chứng minh cho khả năng tài chính (bảng lương, hợp đồng lao động, hợp đồng cho thuê nhà,…)
- Với vay tín chấp: Công dân Việt Nam vẫn còn độ tuổi lao động, trước đó không có lịch sử về tín dụng xấu. Kèm theo giấy tờ tùy thân ( sổ hộ khẩu, CMND, giấy đăng kí kết hôn,…). Một số giấy tờ chứng minh cho khả năng tài chính (bảng lương, hợp đồng lao động, hợp đồng cho thuê nhà,…).
Vì đặc thù của cho vay thế chấp là cần tài sản thế chấp nên thời gian duyệt hồ sơ vay và giải ngân thường lâu hơn trong khi đó, với vay tín chấp, chỉ sau 2 – 48h, người vay sẽ được giải ngân nếu hồ sơ hợp lệ.
Hạn mức vay vốn và mức lãi suất
Hai hình thức này ảnh hưởng đến rủi ro mà ngân hàng có thể gặp phải. Mỗi hình thức có nhiều điểm khác nhau.
- Vay thế chấp: độ rủi ro gặp phải sẽ không cao vì ngân hàng có thể thu hồi vốn được khi phát mãi tài sản. Hạn mức vay phụ thuộc vào giá trị tài sản đảm bảo sau khi định giá, từ 70 – 85%. Tuy nhiên, theo các chính sách của ngân hàng thì mức lãi suất rất thấp 7 đến 10% cho hình thức này.
- Vay tín chấp: độ rủi ro mà ngân hàng gặp phải sẽ rất cao với hình thức này, bởi họ không có tài sản nào để đảm cho khoản vay. Hiện nay mức lãi suất áp dụng với hình thức này tại các ngân hàng là từ 20 – 25%, tại các công ty tài chính là từ 35 – 40%. Đối với hình thức này, thu nhập của người vay ra sao, kế hoạch trả nợ như thế nào của người đi vay ảnh hưởng đến hạn mức vay.
Một số khoản vay cá nhân từ các ngân hàng
Tùy theo từng mục đích của bản thân để đưa ra quyết định nên chọn ngân hàng nào thì sẽ phù hợp với bạn và nhu cầu của bạn:
- Vay mua nhà: Các ngân hàng cho vay mua nhà với mức lãi suất thấp như VIB, SCB, MaritimeBank, Vietcombank, TPBank và BIDV (lãi suất vay hấp dẫn từ 6,49 - 9,9%/ năm).
- Vay mua xe: Các ngân hàng cho vay mua xe ô tô lãi suất thấp như VIB, BIDV, SeaBank, PvcomBank, TPBank, Sacombank và VPBank, OCB (lãi suất vay từ 5,9 - 10,1%/ năm).
- Vay kinh doanh: Các ngân hàng cho vay kinh doanh lãi suất ưu đãi như VietinBank, BIDV, VIB, HDBank, Maritime Bank, LienVietpost Bank, HDBank, Vietcombank và TPBank (lãi suất cho vay từ 5,99 - 10,79%/ năm).
- Vay tiêu dùng: Các ngân hàng cho vay tiêu dùng thế chấp lãi suất thấp là VIB, SCB, Maritime Bank, LienVietpost Bank, TPBank (Lãi suất vay dao động từ 6,8 - 12,99%/ năm).
Nhìn chung, nhiều ngân hàng hiện đang tung ra rất nhiều các chương trình cho vay ưu đãi để thu hút khách hàng. Mức lãi suất vay dao động từ 6 - 8%/năm. Khách hàng khi đi vay bên cạnh việc tham khảo mức lãi suất cần phải nắm rõ thời hạn ưu đãi kéo dài trong bao lâu, mức lãi suất sau khi hết ưu đãi sẽ tính thế nào để chủ động sắp xếp bảng cân đối tài chính hợp lí.
Trên đây là những điều cần biết về các khoản vay ngân hàng. Thông qua bài viết này mong bạn sẽ có những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn khoản vay phù hợp với nhu cầu và tình hình tài chính của bạn.