Phát triển tiềm năng cá nhân - Chìa khóa cho sự giàu có, tự do và hạnh phúc

Để được giàu có, tự do và hạnh phúc, bạn cần biết cách Phát triển tiềm năng cá nhân.

Tiềm năng của bạn có thể ẩn náu trong một sở thích có thể kiếm được tiền, cũng có thể là khả năng vượt trội trong việc chơi thể thao, âm nhạc, hoăc nghệ thuật - những thứ đem lại niềm vui và hứng thú cho bạn. Nếu bạn không nhận diện và phát triển được tiềm năng của bản thân, cuộc sống của bạn có lẽ sẽ rất nhàm chán. Bạn có công việc tốt nhất quả đất? Bạn kiếm được rất nhiều tiền và đang sống rất hạnh phúc? Để được giàu có, tự do và hạnh phúc, bạn cần biết cách phát triển tiềm năng của bản thân.

Tiềm năng của bạn có thể ẩn náu trong một sở thích có thể kiếm được tiền, cũng có thể là khả năng vượt trội trong việc chơi thể thao, âm nhạc, hoăc nghệ thuật - những thứ đem lại niềm vui và hứng thú cho bạn.

Nếu bạn không nhận diện và phát triển được tiềm năng của bản thân, cuộc sống của bạn có lẽ sẽ rất nhàm chán. Bạn có công việc tốt nhất quả đất? Bạn kiếm được rất nhiều tiền và đang sống rất hạnh phúc? Chúng tôi đã thấy rất nhiều ví dụ chứng minh một cuộc sống chỉ có làm việc cuối cùng cũng chỉ để lại cho bạn những hối tiếc, cùng với 101 câu hỏi vì sao: Vì sao lúc trước mình không dành thời gian để chơi một môn thể thao nào đó? Vì sao mình lại phải gắn chặt cuộc sống với công việc hiện tại? Đây là vấn đề của nhiều người khi họ nhận ra ngoài công việc đang làm, họ chẳng biết gì, cũng chẳng có niềm ham thích gì cả.

Phát triển tiềm năng cá nhân khi còn trẻ

13 năm cùng hơn 500 lần phỏng vấn những sinh viên tốt nghiệp đại học về lĩnh vực tài chính đã cho chúng tôi thấy nhiệt huyết làm việc của họ. Họ sẵn sàng làm việc 14 giờ mỗi ngày để có thể tự trang trải cho bản thân, có được khả năng độc lập tài chính sớm hơn nhiều năm so với những người bình thường.

Phát triển tiềm năng cá nhân

Giả sử, chỉ với một vài năm làm việc cật lực đầu tiên khi ra trường, bạn đã có mức thu nhập hàng trăm triệu/ năm, thì chẳng có lý do gì cản bạn tiếp tục cố gắng chịu đựng trong những năm tiếp theo, đúng không? Điều này làm tôi liên tưởng tới một người bạn doanh nhân của mình. Cô ấy từng nói: “Để sau này không phải vất vả, tôi sẵn sàng làm việc gấp đôi người bình thường. 80 giờ làm việc/ tuần không thành vấn đề, tôi kiếm được rất nhiều tiền!”

Lúc mới bắt tay vào làm việc, để có thể kiếm được một khoản tiền lớn, tất nhiên bạn sẽ phải bỏ ra một khoảng thời gian làm việc lớn không kém. Nhiều sinh viên Mỹ mới ra trường đều chấp nhận hiện thực này vì cơ bản khoản nợ học phí trung học/ đại học của họ là quá lớn. Và rồi họ ép bản thân vào một vòng xoáy cố định: những năm 20 tuổi vay tiền để học, từ năm 30 tuổi trở đi thì làm trả nợ.

Khá dễ để thấy những thanh niên 20-30 tuổi tỏ ra mình có lòng nhiệt huyết với công việc. Nhiều người còn tự nhủ với bản thân: “Tôi yêu công việc hiện tại của mình. Mọi thứ xung quanh thật tuyệt vời! Có thể tự kiếm được tiền là hạnh phúc lớn nhất của đời tôi!” Tất nhiên, những “lão làng” trên 40 lại không nghĩ vậy.

Dự đoán khó khăn phía trước

Sau khi những người trẻ này đã làm việc được 10 năm, sự nhiệt tình của họ dành cho công việc có xu hướng giảm dần. Tự nhiên, họ cảm thấy việc làm cùng một công việc ngày này qua ngày khác không còn thú vị nữa.

Và khi số tiền có được ngày càng nhiều, việc đầu tư “ngoài luồng” kéo họ rời xa chốn văn phòng cùng đồng nghiệp, những lời phàn nàn về công việc dần nhiều thêm,...

Phần lớn những người tìm tới tôi để xin tư vấn thôi việc đều cho rằng những ông chủ/ quản lý đang chèn ép họ quá đáng. Có người nói với tôi về việc đồng nghiệp đâm sau lưng họ, cũng có người nói với tôi về những khó khăn mà họ đã vượt qua để được tăng lương và thăng chức.

Những suy nghĩ tiêu cực bắt đầu tích tụ sau mốc 10 năm làm việc. Tất cả những gì mọi người muốn làm là thoát khỏi chốn công sở địa ngục và làm điều gì đó có ý nghĩa hơn cho cuộc sống của mình.

Đến lúc đó, nếu họ không có bất cứ tài năng nào, việc này có lẽ khó thực hiện được. Họ không còn thời gian, không gian, và cả “tiền lực” để phát triển khả năng cá nhân. Và rồi cuối cùng họ lại tiếp tục cuộc sống vật lộn với công việc mà giờ họ ghét hơn bao giờ hết.

Cố tồn tại trong ngành tài chính

Sau sáu tháng đầu tiên làm việc tại Phố Wall (trung tâm tài chính Mỹ), tôi cảm thấy khả năng tồn tại của mình quá nhỏ bé. Những ngày làm việc bù đầu từ sáng đến khuya sẽ còn tiếp tục trong 3 năm tới khiến trải nghiệm mỗi ngày như đứng trong nồi nước sôi.

3 năm làm việc với thành tích tốt sẽ giúp chúng ta lên được Phó phòng (trên lý thuyết là vậy). Nhưng với tôi, sau một năm rưỡi làm việc, tôi không hề thấy được một cơ hội thăng tiến nào. Vì vậy, tôi làm tất cả để có thể để dành được một lối thoát nếu mình thất nghiệp.

Thay vì thuê một căn hộ nhỏ và chia phòng với bạn, chúng tôi thuê một nhà kho gần nơi làm việc. Thay vì đi ăn ở nhà hàng sang trọng, chúng tôi chọn đi ăn tiệm bình dân với đồ uống miễn phí (việc này khiến tôi tăng thêm 7kg).

Nhờ đủ mọi cách tiết kiệm, tôi có thể dành dụm được khoảng 40% số lương hàng năm (40.000 đô la sau thuế) của mình trong năm 1999. Kể cả khi thu nhập của tôi tăng lên, tôi vẫn duy trì tỷ lệ tiết kiệm khoảng 50-70% vì tôi tin rằng đây là cách duy nhất để giải thoát cho mình khỏi công việc hiện tại.

Tôi tính rất đơn giản: Mỗi một năm làm việc tôi tiết kiệm được khoản tiền tương đương một năm chi phí sinh hoạt. Tôi cũng có một vài nghề “tay trái” để kiếm thêm thu nhập (dù ít hơn nhiều so với công việc chính), đủ để tôi có thể tự do tìm hướng phát triển sau khi nghỉ việc. Kế hoạch của tôi vốn đang chạy rất tốt, cho đến khi khủng hoảng tài chính xảy ra. 

Khủng hoảng tài chính hủy đi kế hoạch của tôi

Trong năm 2008 và 2009, tôi mất ​​một phần ba giá trị tài sản ròng chỉ trong vài tháng. Điều đó khiến tôi có cảm giác như 10 năm thắt lưng buộc bụng chẳng để lại gì.

Tôi chán nản và giận bản thân vì đã đầu tư quá nhiều vào cổ phiếu trong năm 2006, 2007. Trong cuộc khủng hoảng, tôi vẫn còn trong tay khoảng 1/7 số tiền tiết kiệm. Nhưng chừng đó cũng không giúp được tôi vượt qua. Kinh nghiệm từ việc đầu tư quá nhiều khi thị trường lên đến đỉnh trở thành nguyên nhân khiến tôi bỏ khoản đầu tư rủi ro trong danh mục đầu tư chứng khoán của mình.

Bài học về thất thoát tài sản này đã trở thành động lực thúc đẩy tôi làm theo lời cha chỉ dẫn từ năm 2006. Ông nhận ra tiềm năng của tôi trong việc viết lách khi tự mình xem qua các bản tin đầu tư mà tôi viết cho khách hàng, với kinh nghiệm 13 năm làm việc trong lĩnh vực này.

Cha tôi đưa ra một ý tưởng về xây dựng trang web về kinh tế, và kiếm thu nhập phụ bằng nghề nhà văn. Tôi đã gạt đi lời khuyên của ông vì quá bận. Năm đó là năm tôi vừa hoàn thành thời kỳ thực tập thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA), và tất cả những gì tôi muốn lúc đó là thư giãn.

Ba năm kế tiếp, ngoài làm việc 60 tiếng/ tuần, tôi còn tham gia vào các lớp học kéo dài 9 tiếng mỗi thứ 7. Tôi cũng dành ra hơn 5 giờ mỗi tuần để làm các dự án nhóm và bài tập về nhà. Chỉ tới khi khủng hoảng xảy ra vào năm 2009, tôi mới quyết định dừng lại và thuê người xây dựng cho mình một trang web tài chính - “cánh tay phải” đắc lực của tôi sau này.

Hãy nghĩ về việc phát triển tiềm năng cá nhân

Khả năng viết về tài chính đã giúp tôi thoát khỏi công việc nhàm chán đã làm suốt 13 năm. Tài năng này chỉ được tôi thực sự tập trung vào phát triển khi khủng hoảng tài chính làm đảo lộn nơi nơi. Theo đánh giá của bản thân, tôi thấy đợt đại dịch hiện tại có khả năng lớn trở thành động lực cho nhiều triệu người khác tập trung phát triển tiềm năng của mình.

Tôi biết được nhiều người sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin đã quyết định xin nghỉ hưu sớm, rời xa “vòng tranh đấu” kiếm tiền. Họ cũng đã sắp xếp tốt đường lui (kế hoạch nghỉ hưu) cho mình.

Bỏ qua những người này, tôi muốn chia sẻ một số ý tưởng giúp phát triển tiềm năng cá nhân  với bạn - những người muốn và đang tìm cách thay đổi:

1) Dành thời gian suy nghĩ

Mẹ tôi thường khuyên tôi ngồi thiền năm phút trước khi đi ngủ từ khi tôi còn nhỏ, bởi tôi là một đứa trẻ khá nghịch ngợm. Khi tôi ngồi thiền, những ý tưởng thông thái ngẫu nhiên sẽ hiện ra trong đầu tôi.

Cuộc sống không để cho chúng ta có thời gian tĩnh tâm suy nghĩ. Chúng ta cần phải làm việc, xem TV, chăm sóc gia đình,... Tuy vậy, tôi vẫn khuyến khích mỗi người dành ra 15 phút mỗi tuần để bản thân nghĩ về một ý tưởng nào đó. Thả lỏng, nhận thức mọi thứ một cách cởi mở hơn, và bạn sẽ ngạc nhiên về những gì bản thân nghĩ được.

Như tôi, việc ngâm mình trong bồn tắm hoặc nghe podcast để có ý tưởng mới. Bạn có thể tìm một môi trường phù hợp cho mình sáng tạo, có thể là đi dạo, vẽ, viết nhật ký,...

2) Đầu tư cho một cái gì đó

Dựa vào kinh nghiệm của tôi hồi đó, một trong những lý do mà tôi không lập trang web tài chính riêng là vì tôi không biết cách để làm nên một trang web. Chỉ đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009 xảy ra, tôi mới có động lực thuê một người lập trình web giúp mình.

Người thiết kế web đầu tiên được tôi khoảng 350 đô la (~ 8.3 triệu đồng) và trang web của tôi không chạy được quá 6 tháng. Người thứ hai được tôi trả 800 đô la (~19 triệu đồng) và trang web tồn tại 4 năm, cho đến khi được tôi thiết kế lại.

Đừng để vấn đề về thiếu hiểu biết ngăn cản quyết định của bạn. Bạn có thể bỏ ra một số tiền để thuê người có chuyên môn giúp bạn tiến bộ. Ngày nay, còn có nhiều nguồn tài nguyên tri thức miễn phí mà bạn có thể tìm kiếm trên mạng, và cũng có rất nhiều người làm việc tự do sẵn sàng giúp bạn sáng tạo.

Craigslist, Upwork và rất nhiều các trang web khác là nơi để bạn tìm người có thể giúp mình giải quyết những vấn đề một cách dễ dàng. Nền kinh tế tự do đang bùng nổ trong thời kỳ đại dịch! Hãy chú ý! Có thể tiềm năng của bạn là trở thành một người làm việc tự do.

3) Không ngừng cố gắng cho đến khi có được động lực

Tôi đã viết trên web tài chính của mình trong gần ba năm trước khi rời bỏ công việc văn phòng. Sau năm thứ hai viết lách, tôi nhận thấy có lẽ tôi có thể làm công việc này toàn thời gian, nhưng tôi vẫn quá sợ hãi để thay đổi khi công việc lúc đó là tất cả những gì tôi biết trong 12 năm làm việc, với mức lương cơ bản 250.000 đô la (khoảng 6 tỷ đồng).

Tất cả những gì tôi muốn làm là viết và kết nối với mọi người vì đó là việc đem lại niềm vui. Tôi khuyến khích mọi người dành thời gian để theo đuổi lý tưởng của mình. Điều này sẽ giúp bạn tạo động lực và tính toán được tốt hơn khi nào là bản thân nên từ bỏ công việc hiện tại. Ngay cả khi bạn có vấp ngã, bạn vẫn còn nhiều cơ hội để sửa chữa.

Giả sử bạn có khả năng về âm nhạc. Tại sao không tạo một trang web và cung cấp các bài học âm nhạc trực tuyến? Bạn có thể bắt đầu với việc dạy một sinh viên âm nhạc mỗi tuần rồi phát triển lên. Giả sử bạn là một đầu bếp giỏi. Tại sao không tạo một trang web chuyên cung cấp các lớp học nấu ăn vào cuối tuần? Bạn sẽ không bao giờ biết trừ khi bạn thử.

Một điều mà đại dịch này khuyến khích những người yêu kinh doanh như chúng ta là tận dụng Internet. Việc sở hữu một loại hình kinh doanh online không bao giờ bị buộc dừng hoạt động như thế này gần giống như bạn có một siêu năng lực. Dù cho chính phủ có quét đến đâu, chỉ cần trang web của bạn hợp pháp, bạn có thể tiếp tục giữ và phát triển nó.

Không có gì đứng yên một chỗ

Sau khi chuyển đến San Francisco vào năm 2001, tôi nghĩ mình có thể làm việc trong lĩnh vực tài chính cho đến năm 40 tuổi (2017). Nhưng ở tuổi 34, ý chí trong tôi đã lụi tàn. Lương tại công ty của tôi cũng giảm, bất kể chúng tôi làm việc tốt như thế nào. Tôi phải làm việc nhiều giờ hơn, và đối mặt với nhiều căng thẳng.

Ngành mà tôi đã từng coi là yêu thích nhất trong 12 năm giờ không còn thú vị nữa. Tôi muốn nghỉ việc. May mắn thay, tôi đã tìm ra cách để thoát khỏi nó và điều đó đã giúp tôi có được 5 năm tiếp theo tự do để thử sức với tiềm năng của mình.

Kể từ năm 2009, web tài chính đã mang đến cho tôi rất nhiều niềm vui. Trang web cho phép tạo ra giá trị từ con số không. Trong khoảng thời gian đen tối nhất, năm 2020, tiềm năng giúp tôi ổn định tinh thần, tuy tôi có thể kiếm được khá ít từ nó, nhưng đây vẫn là một điều mà tôi trân trọng nhất.

Đừng đợi cho đến khi bạn không còn hài lòng với công việc của mình nữa mới bắt đầu tìm và phát triển tiềm năng cá nhân. Hãy tạo một cơ hội để bản thân được thử sức với ít nhất một công việc mới. Việc lựa chọn giữ hay bỏ có thể mất nhiều năm, nhưng tôi tin rằng khi thời điểm đến, đó sẽ là một quyết định vô giá.

Tạo động lực từ những điều nhỏ nhặt

Nếu bạn vẫn yêu thích công việc của mình sau nhiều năm, chắc hẳn bạn là người rất may mắn. Tuy vậy, tôi vẫn khuyên bạn: thay vì tìm kiếm một tài năng có thể giúp bạn thoát khỏi cảnh thất nghiệp, hãy tìm một tài năng trong mình có thể mang lại cho bạn niềm vui và tìm được ý nghĩa của cuộc sống ngoài công việc.

Năm ngoái, tôi đã cố gắng tập chơi bóng đá tốt nhất có thể. Mỗi sáng thứ bảy, tôi đều mong được ra sân và chơi bóng. Đó là hoạt động ngoài trời hoàn hảo trong cảnh đại dịch để giữ cho tôi được tỉnh táo và có động lực.

Năm nay, tôi hy vọng mình sẽ viết ra được một cuốn sách độc đáo và hữu ích cho mọi người. Nếu điều đó thành hiện thực, cuốn sách đó sẽ được phát hành vào mùa thu năm 2022. Thật tuyệt biết bao nếu cuốn sách trở thành một tác phẩm kinh điển từ một người bình thường như tôi - một người quyết định thay đổi con đường mình đi từ nhiều năm trước.

Đến đây đã là phần cuối của bài viết này, tôi nhận ra rằng việc có một khả năng về bất kỳ khía cạnh nào cũng sẽ tạo ra mục đích sống và làm phong phú thêm cuộc sống của mỗi chúng ta.

Độc lập về tài chính là một chuyện, cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc cũng là một chuyện khác, nhưng vẫn là chưa đủ. Mỗi chúng ta cần có một điều gì đó có ý nghĩa để làm hàng ngày.

Xin đừng đợi cho đến khi cùng đường mới đi tìm tiềm năng cá nhân của mình. Hãy bắt tay vào làm ngay hôm nay.